Tháp Rùa – hồ Hoàn Kiếm: Đứng đầu trong danh sách những danh lam thắng cảnh không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội chính là Hồ Hoàn Kiếm. Hồ nằm ở vị trí trung tâm của thành phố và được ví như “trái tim” của thủ đô. Hồ Hoàn Kiếm còn có tên gọi khác là Hồ Gươm bởi nó gắn liền với sự tích trả gươm thần huyền thoại của vua Lê Lợi cho Rùa Vàng. Mặt hồ xanh màu rêu cổ kính như một tấm gương khổng lồ soi bóng những cây cổ thụ cành lá sum suê, những rặng liễu rủ thướt tha cùng tòa nhà Bưu điện và dãy nhà cao tầng xung quanh vươn lên giữa trời xanh.
Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc: Cầu Thê Húc màu đỏ son, cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn ẩn sau những bóng đa cổ thụ. Đền được xây dựng vào thế kỉ 19 và là công trình điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc. Với sự kết hợp hài hòa giữa đền và hồ, Đền Ngọc Sơn cùng với Hồ Hoàn Kiếm đã tạo nên một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, mang lại một không gian chan hòa giữa thiên nhiên và con người.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lăng Bác nằm ngay bên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ra đời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc được bao phủ trong không gian cây vườn bốn mùa xanh tươi tỏa bóng mát.
Chùa Trấn Quốc và đường Thanh Niên: Nằm trên đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc là danh thắng bậc nhất kinh kỳ với kiến trúc cổ kính, uy nghiêm hòa hợp với cảnh quan thanh nhã, yên bình bên mênh mông hồ nước. Được xây dựng từ thế kỉ thứ 6 và là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Hà Nội, qua hơn ngàn năm tồn tại, chùa Trấn Quốc không chỉ giữ gìn những giá trị kiến trúc đặc sắc mà còn chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Với những giá trị ấy, đây là địa điểm không những thu hút những tín đồ Phật tử mà còn chào đón nhiều khách thăm quan đến ghé thăm và thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Cầu Long Biên: Được xây dựng từ năm 1899 – 1902, là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Đây đã từng là cây cầu dài thứ hai thế giới, được mệnh danh là “tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội”. Cầu Long Biên gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, cũng như chứng kiến sự chuyển mình đi lên của đất nước sau khi thống nhất. Cây cầu giờ đây không chỉ là chứng tích của lịch sử mà còn là biểu tượng của sự trường tồn, vẻ đẹp và sự phát triển văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.
Nhà hát Lớn Hà Nội: Tọa lạc giữa ngã tư phố Tràng Tiền và Ngô Quyền, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng vào những năm đầu của thế kỉ 20 và từ đó đến nay vẫn luôn là một công trình kiến trúc và văn hóa bậc nhất của thủ đô. Được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp với nhiều đường nét và màu sắc giống với các nhà hát ở châu Âu, Nhà hát Lớn đã trở thành một trung tâm văn hóa diễn ra nhiều sự kiện và hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu lớn ở Việt Nam. Bạn hãy đến đây và đi dọc quanh khu sân trước cửa nhà hát để chiêm ngưỡng trọn vẹn mọi góc của tòa kiến trúc to lớn này.
Ô Quan Chưởng: Là cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long xưa, Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn hào hùng bi tráng của lịch sử. Được xây dựng từ năm 1817, ban đầu cửa ô có tên là ô Đông Hà gồm 2 tầng được xây theo kiểu vọng lâu – kiểu kiến trúc đặc trưng ở thời Nguyễn. Tên gọi ô Quan Chưởng sau này được nhân dân đặt để tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng của viên chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội.
Văn Miếu Quốc Tử Giám: Đây là một quần thể di tích thắng cảnh và lịch sử không thể bỏ lỡ khi đến Hà Nội. Quần thể này bao gồm Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử), Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên ở Việt Nam) và Hồ Văn, vườn Giám, Khuê Văn Các, … Quần thể di tích sở hữu những nét kiến trúc cổ đặc sắc và hài hòa ẩn hiện dưới những cành lá sum suê của những cây cổ thụ trăm năm, mang lại cảnh sắc khác lạ và đặc sắc cho du khách.
Hồ Tây: Được ví như “lá phổi” của thủ đô với diện tích lòng hồ hơn 500ha và cung đường quanh hồ dài 17km. Hãy lấy xe máy đi dạo một vòng quanh hồ để ngắm nhìn khung cảnh lãng mạn bên mặt hồ trong xanh mênh mông phảng phất những con gió mát rượi, cũng như thăm quan một số các thắng cảnh gần hồ như làng hoa đào Nhật Tân, làng Nghi Tàm, đền Quán Thánh,…. Ảnh: Minh Quân.
Hoàng thành Thăng Long và cột cờ Hà Nội: Nằm trên con đường Hoàng Diệu, Hoàng thành Thăng Long là một di sản văn hóa thế giới gắn liền với lịch sử của kinh thành Thăng Long – Hà Nội dưới thời các triều đại Lý, Trần, Lê và triều Nguyễn. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ và mang nhiều giá trị lịch sử và khảo cổ học quan trọng. Trong những công trình cổ bên trong Hoàng Thành, nổi bật nhất là di tích Cột cờ Hà Nội (hay còn được gọi là Kỳ Đài Hà Nội) gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng trên Cột cờ Hà Nội tung bay phấp phới giữa bầu trời thủ đô.